Cảnh báo bệnh dại gia tăng trong mùa nắng nóng
Mùa hè nắng nóng là thời điểm những bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát, đặc biệt là bệnh dại. Vì thế, người dân không nên chủ quan, những hộ gia đình có nuôi chó, mèo cần được tiêm phòng đầy đủ. Nếu cho chó đi ra ngoài, nên đeo rọ mõm để phòng bệnh cho cộng đồng.
Ảnh minh họa.
Khi người dân bị chó, mèo cắn, cần rửa ngay vết thương sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ tư vấn và điều trị dự phòng bệnh dại.
1. Cách phòng chống bệnh dại:
- Không thả rông chó, mèo ra đường.
- Dắt chó ra đường phải có rọ mõm và dây đeo.
- Tránh xa chó mèo lạ, chó mèo chạy rông.
- Chó, mèo nuôi phải được tiêm vắc xin phòng dại hằng năm.
2. Cách giúp phòng ngừa bị chó cắn:
- KHÔNG chạy nhanh gần chó.
- KHÔNG trêu chọc chó.
- Không lại gần chó khi chó đang ăn, đang ngủ hoặc khi chó mẹ đang cho con bú.
- KHÔNG nhìn chằm chằm vào mắt chó.
3. Xử lý vết thương khi bị chó, mèo cắn:
- Ngay sau khi bị chó mèo cắn, vết thương cần được rửa với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong 10 - 15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa ngay vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Sau đó sát khuẩn bằng cồn 70% (70 độ) hoặc cồn i-ốt.
- KHÔNG nặn, bóp vết thương cho máu chảy ra, hoặc làm dập nát thêm vết thương.
- KHÔNG băng kín vết thương.
- Đến cơ sở y tế để tiêm phòng bệnh dại theo hướng dẫn/chỉ định của nhân viên y tế.
- Khi đã lên cơn dại tỷ lệ tử vong gần như 100%, hiện nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy vậy bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.
- Tiêm vắc xin dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm là bắt buộc nếu bạn bị chó, mèo hay các động vật khác bị bệnh dại hoặc nghi ngờ bị bệnh dại cắn.
- Vắc xin điều trị bệnh dại là vắc xin thế hệ mới an toàn và hiệu quả cao./.
Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm