Không để bị động trong công tác phòng, chống dịch sởi ở trẻ nhỏ
Sởi là bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra, lây qua đường hô hấp và có khả năng gây ra dịch bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc người lớn, do chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa tiêm đủ liều. Chủ động phòng, chống dịch sởi, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ sức khỏe người dân.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giám sát tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi tại huyện Yên Sơn.
Bệnh sởi thường có các biểu hiện sốt, phát ban. Sau khi sốt giảm sẽ xuất hiện ban dạng sẩn (gồ lên mặt da) ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực, bụng và toàn thân. Sau 7-10 ngày, ban biến mất theo thứ tự đã nổi trên da và để lại những vết thâm thường gọi là "vằn da hổ". Một số biểu hiện kèm theo là ho, mắt đỏ, tiêu chảy...
Mỗi năm, tỷ lệ trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đạt khoảng 90 đến 95%. Còn 5 đến 10% trẻ không có miễn dịch, đây là "lỗ hổng" nhóm trẻ không có khả năng bảo vệ, ngoài nguy cơ mắc bệnh thì có nguy cơ mang mầm bệnh lây lan cho những trẻ khác. Đối với các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao thì có nguy cơ tản phát các ca bệnh lẻ; khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp thì nguy cơ bùng dịch lớn. Dịch sởi có chu kỳ 3-5 năm bùng phát một lần. Bệnh sởi có thể xuất hiện quanh năm, nhưng tập trung cao vào mùa đông xuân.
Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh sởi, lợi ích tiêm chủng vắc xin sởi; vận động nhân dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, phối hợp và tham gia các hoạt động phòng, chống dịch sởi, tổ chức tuyên truyền lưu động phòng chống dịch sởi và vận động các gia đình cho trẻ nhỏ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Tại các trung tâm y tế huyện, thành phố đã chỉ đạo các Trạm y tế các xã, phường, thị trấn lập danh sách đối tượng chưa tiêm, tiêm chưa đủ liều vắc xin để dự trù vắc xin và vật tư tiêm chủng cần thiết. Hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh sởi; tổ chức tập huấn cho cán bộ tham gia công tác giám sát, xử lý ổ dịch.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giám sát tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi tại huyện Yên Sơn.
Bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, như: Viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa và có thể gây tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu. Hiện nay, không có thuốc đặc trị cho bệnh sởi; việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ và giảm triệu chứng. Tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Do vậy, các gia đình cần đưa con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và biết cách chăm sóc, theo dõi trẻ sau tiêm chủng.
Để chủ động trong công tác điều trị, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị Bệnh viện tuyến tỉnh, Trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố tăng cường năng lực hệ thống điều trị, tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, cấp cứu, điều trị kịp thời các bệnh nhân bị sởi; rà soát, chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, nhân lực, sẵn sàng về cơ sở vật chất, giường bệnh, thiết lập khu vực cách ly riêng để khám, điều trị, cấp cứu bệnh nhân sởi. Cùng với đó, kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ các huyện cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi cần thiết; tổ chức kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện về phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, cách ly, triển khai các giải pháp phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Chủ động phòng, chống dịch sởi không chỉ bảo vệ sức khỏe của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm chung trong việc ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch, vì sức khỏe cộng đồng. Do vậy, mỗi người dân và gia đình cần cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, đảm bảo vệ sinh cá nhân, bổ sung các chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng; kịp thời thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi.
Nguyễn Hoàng