Tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại
Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Khi người bệnh lên cơn dại thì đều dẫn tới tử vong. Chính vì vậy người dân cần có sự chủ động để phòng, chống với căn bệnh nguy hiểm này.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có ca tử vong do bệnh dại, tuy nhiên đã có nhiều trường hợp bị chó, mèo cào cắn đến các cơ sở y tế để được xử trí vết thương và tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Trong 4 tháng đầu năm, số người bị chó, mèo cắn đã tiêm phòng trên địa bàn tỉnh là 1441 ca. Các huyện, thành phố có số người tiêm phòng dại nhiều nhất là huyện Hàm Yên , thành phố Tuyên Quang và huyện Chiêm Hóa,…
Người dân tiêm vắc xin tại Phòng khám Đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: người bị chó, mèo nghi dại cắn, cần được tiêm vắc xin phòng bệnh càng sớm càng tốt. Khi bị chó mèo cào, cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó mèo cắn. Sau đó, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. Đồng thời, đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Bệnh dại là bệnh lưu hành hàng năm và xuất hiện nhiều vào mùa hè, thời điểm nắng nóng kéo dài kèm mưa ẩm.
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, tại tỉnh ta hàng năm có hàng nghìn lượt bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được tư vấn về bệnh dại do vật nuôi cào, cắn và được tư vấn tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Để không dẫn đến tử vong, người bệnh không được chủ quan, không được sử dụng thuốc nam để chữa bệnh,... khi bị chó, mèo cào cắn phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn điều trị. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, hiện nay không thể dựa vào kinh nghiệm để nhìn xem một người có bị bệnh dại hay không mà phải thông qua theo dõi chó, mèo nghi mắc bệnh. Đồng thời, chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa bệnh dại, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Bệnh dại chỉ có thể phòng, không thể cứu được vì khi đã bị phát bệnh sẽ dẫn đến tử vong.
Ảnh minh họa