Rối loạn lo âu hậu COVID-19, chữa thế nào?
Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực về kinh tế, xã hội và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của dân số trên toàn thế giới, trong đó không ít người mắc rối loạn lo âu hậu COVID-19.
1. Lo âu hậu COVID-19 là gì?
Lo âu được coi là một trong những triệu chứng kéo dài hơn của hội chứng Post-COVID (PCS).
NỘI DUNG:
- 1. Lo âu hậu COVID-19 là gì?
- 2. Nguyên nhân gây rối loạn lo âu hậu COVID-19
- 3. Các triệu chứng của rối loạn lo âu hậu COVID-19
- 4. Điều trị rối loạn lo âu hậu COVID-19
- 4.1. Liệu pháp tâm lý
- 4.2. Liệu pháp hóa dược
Nhiều nghiên cứu cho thấy từ 23% đến 26% số người bị rối loạn lo âu sau khi khỏi bệnh, đặc biệt là phụ nữ.
Lo âu sau COVID-19 có các triệu chứng trùng lặp với các rối loạn sau: Rối loạn lo âu lan tỏa (GAD), rối loạn ám ảnh - cưỡng bức (OCD), rối loạn stress sau chấn thương (PTSD), cơn hoảng sợ kịch phát.
Fukase (năm 2021) đã chỉ ra rằng trong thời gian đại dịch COVID-19, tần suất các triệu chứng trầm cảm ở Nhật Bản cao gấp 2 đến 9 lần so với trước đại dịch.
Một nghiên cứu của Ba Lan cho thấy trong đợt dịch thứ hai ở nước này, 20% người dân có các triệu chứng rối loạn lo âu và gần 19% có các triệu chứng lo âu và trầm cảm.
Kayaaslan B. và cộng sự (năm 2021) nghiên cứu trên 413.148 người dân ở Anh, trong đó có 26.998 người dương tính với COVID-19, bằng các câu hỏi xác định trầm cảm và lo âu. Kết quả nghiên cứu cho thấy: 26,4% người tham gia đáp ứng các tiêu chí về lo âu lan tỏa và trầm cảm; lo âu và trầm cảm cao hơn ở những người trước đây có SARS-CoV-2 dương tính (30,4%) so với SARS-CoV-2-âm tính (26,1%); mối liên quan giữa nhiễm SARS-CoV-2 với lo âu và trầm cảm mạnh hơn ở những người bị nhiễm gần đây (<30 ngày) so với nhiễm xa hơn (> 120 ngày).
2. Nguyên nhân gây rối loạn lo âu hậu COVID-19
Không có một nguyên nhân duy nhất nào gây ra lo âu sau khi khỏi COVID-19.
Các nguyên nhân có thể là:
- Lo âu đã có trước khi mắc COVID-19, chiếm khoảng 8%;
- Cách ly xã hội trong thời gian mắc bệnh;
- Nằm viện dài ngày;
- Sự kỳ thị của những người xung quanh về việc bệnh nhân có SARS-CoV-2;
- Sợ lây truyền bệnh cho người khác;
- Không chắc chắn có khỏi COVID-19.
Năm 2021, các nghiên cứu đã ghi nhận mối tương quan giữa các triệu chứng COVID-19 và các triệu chứng lo âu.
Các triệu chứng COVID-19 của bệnh nhân càng tồi tệ, thì rối loạn lo âu hậu COVID-19 càng nặng.
3. Các triệu chứng của rối loạn lo âu hậu COVID-19
Các triệu chứng của lo âu sau COVID-19 bao gồm: Sợ đám đông; khó tập trung chú ý; không tin tưởng vào người khác; bắt buộc rửa tay nhiều lần; sợ phải ra khỏi nhà của mình; tăng sử dụng chất kích thích; cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng; mất nhiều thời gian để theo dõi các dấu hiệu bệnh tật; ám ảnh sợ bẩn; xa lánh những người yêu thương của bệnh nhân…
Độ dài của lo âu: Các triệu chứng lo âu có thể kéo dài trong vài tháng sau khi khỏi COVID-19. Một nghiên cứu năm 2021, có tới 25% bệnh nhân có triệu chứng lo âu kéo dài ít nhất 3 tháng sau khi khỏi COVID-19. Mối liên quan giữa nhiễm SARS-CoV-2 với lo âu và trầm cảm mạnh hơn ở những người bị nhiễm gần đây (<30 ngày) so với nhiễm xa hơn (> 120 ngày). Một nghiên cứu khác vào năm 2021 trên 1.200 bệnh nhân ghi nhận rằng các triệu chứng lo âu vẫn còn xuất hiện sau 7 tháng sau khi khỏi COVID-19.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác vào năm 2021 cho thấy các triệu chứng lo âu có thể xấu đi theo thời gian. Đó là lý do tại sao bệnh nhân nên đi khám chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt nếu xuất hiện triệu chứng của rối loạn lo âu sau khi khỏi bệnh COVID-19.
4. Điều trị rối loạn lo âu hậu COVID-19
4.1. Liệu pháp tâm lý
Lo âu liên quan đến COVID-19 có nhiều ảnh hưởng hơn đến những người có ít kỹ năng đối phó với những hoàn cảnh khó khăn hơn.
Liệu pháp nhận thức – hành vi cho phép bệnh nhân phát triển các chiến lược để thiết lập lại các mối quan hệ và tăng khả năng chịu đựng của bệnh nhân.
Thực hiện liệu pháp này 2 lần một tuần và kết hợp với các bài tập thở sâu sẽ giúp cải thiện các triệu chứng lo âu sau khi khỏi COVID-19.
4.2. Liệu pháp hóa dược
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc chống lo âu trong một thời gian ngắn như thuốc bình thần benzodiazepin và nonbenzodiazepin; thuốc chống trầm cảm SSRI hoặc SRNI; thuốc an thần kinh mới.
Các thuốc an thần mới: Quetiapin và olanzapin liều thấp có hiệu quả chống lo âu tốt; quetiapin có hiệu quả điều trị lo âu lan tỏa tốt ngay ở liều thấp; hiệu quả điều trị xuất hiện ngay trong tuần đầu điều trị, thuốc thường được dung nạp tốt. Uống thuốc 1 lần vào buổi tối.
Thuốc bình thần: Bệnh nhân sử dụng benzodiazepin khi cảm thấy rất lo lắng. Điều trị bằng benzodiazepin chỉ nên kéo dài trong 2-6 tuần, sau đó giảm dần thuốc trong 1 hoặc 2 tuần rồi ngừng để tránh hội chứng cai thuốc.
Các thuốc benzodiazepin đạt hiệu quả tối đa sau 4 tuần như: Diazepam hoặc clonazepam hay bromazepam.
Tofisopam chỉ có tác dụng chống lo âu, không gây buồn ngủ, không có tác dụng chống co giật và giãn cơ đáng kể, không ảnh hưởng đến hoạt động tâm thần vận động và trí tuệ.
Thuốc chống trầm cảm SSRI
- Paroxetin: Thuốc đóng dạng viên nén 20 mg và 30 mg; dung nạp tốt, ít tác dụng phụ, được dùng điều trị trầm cảm, lo âu. Thuốc có thể uống 1 lần duy nhất vào buổi tối.
- Sertralin: Viên nén 50 mg và 100 mg. Thuốc được dung nạp tốt, có thể dùng 1 liều duy nhất trong ngày. Uống buổi tối.
Điều trị kết hợp: Phối hợp giữa thuốc chống trầm cảm và benzodiazepin hoặc/và thuốc an thần mới để đạt hiệu quả sớm hơn. Ví dụ: Sertralin 1 viên/sáng; quetiapine 1 viên/tối; grandaxin 2 viên/ngày (sáng 1 viên, tối 1 viên).
Lưu ý: Người bệnh không tự ý dùng thuốc mà nên đi khám dùng thuốc theo chỉ định và dưới sự theo dõi, giám sát của bác sĩ. Nếu gặp tác dụng phụ của thuốc người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời, thích hợp.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn