16/09/2024 08:44 | 131
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phun khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3 (Yagi), ngay sau khi nước rút, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang đã thành lập các tổ công tác phòng, chống dịch bệnh, huy động cán bộ, viên chức phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các tổ dân phố, trường học,… trên địa bàn thành phố tiến hành phun thuốc khử khuẩn phòng chống dịch bênh.

Viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh kiểm tra vật tư hóa chất cho công tác phòng dịch.

Với phương châm “nước rút đến đâu, phun khử khuẩn phòng dịch bệnh đến đó”. Bên cạnh đó, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra hướng dẫn, khám bệnh, cấp phát thuốc và phun thuốc phòng dịch tại địa bàn xảy ra ngập lụt có nhiều nguy cơ phát sinh mầm bệnh, quyết tâm phòng ngừa ngăn chặn từ sớm, từ xa các loại bệnh như: sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp, đau mắt đỏ và các bệnh ngoài da thường gặp sau khi nước rút do ngập úng lâu ngày, bảo đảm tuyệt đối an toàn sức khỏe của nhân dân trên địa bàn bị ảnh hưởng ngập úng do hoàn lưu của cơn bão số 3 gây ra.

Viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chuẩn bị máy móc, phương tiện

 đi phun hóa chất trên địa bàn thành phố.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong thời gian nước lũ ngập và sau khi nước rút, người dân phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe, nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm như: Tiêu chảy, đau mắt đỏ, nấm kẽ chân, cúm, sốt xuất huyết… do nguồn nước và thực phẩm bị ô nhiễm.

Cán bộ, viên chức Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh vệ sinh trụ sở làm việc sau lũ lụt.

Để phòng bệnh sau mưa lũ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để ngăn vi khuẩn, virus tấn công cơ thể; tránh dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng vì đây là các điểm dễ nhiễm khuẩn, dùng khăn sạch lau mồ hôi và nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phun khủ khuẩn tại Trường Đại học Tân Trào.

Khi nước rút hết cần khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, khẩn trương chôn lấp xác súc vật chết và tẩy uế; dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ, dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi. Đặc biệt, thường xuyên để mắt đến các em nhỏ, tuyệt đối không để trẻ nghịch nước tại các nơi như: Cống thoát nước mưa, khe núi hoặc cống rãnh...

Cùng với vệ sinh môi trường, người dân cũng cần chú ý đến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm sau lũ, tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Trường hợp các nguồn cấp nước như: Giếng khoan, giếng khơi bị ngập úng thì phải được lọc và khử trùng trước khi sử dụng theo hướng dẫn của ngành y tế. Không sử dụng thực phẩm đã bị ngấm nước lũ hoặc thực phẩm đã bị hư hỏng; thực hiện ăn chín, uống sôi. Cùng đó bổ sung vitamin, nhất là vitamin C và E từ hoa quả và rau củ để cải thiện hệ miễn dịch; uống đủ nước, giúp cơ thể loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa cảm cúm.

Nguyễn Tiến


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết