27/11/2024 10:43 | 93
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức giám sát tiêm chủng vắc xin phòng bệnh uốn ván- bạch hầu trong chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2024

Căn cứ  Kế hoạch số 738/KH - SYT ngày 12/11/2024 của Sở Y tế về việc triển khai tiêm vắc xin Uốn ván – Bạch hầu giảm liều (Td) trong chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2024. Ngày 26/11/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức Đoàn giám sát các điểm tiểm chủng trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo kế hoạch toàn tỉnh sẽ có 15.765 trẻ em đủ 7 tuổi (tính theo tháng tuổi) bao gồm học sinh lớp 2 năm học 2024-2025 tại trường học và không đi học tại cộng đồng, trong đó: thành phố Tuyên Quang 2.340 trẻ; huyện Sơn Dương 3.575 trẻ; huyện Yên Sơn 3.019 trẻ; huyện Hàm Yên 2.658 trẻ; huyện Chiêm Hóa 2.396 trẻ; huyện Na Hang 840 trẻ và huyện Lâm Bình 937 trẻ.

Cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giám sát tiêm vắc xin Uốn ván, 

Bạch hầu cho trẻ tại Trạm Y tế xã Trung Trực (Yên Sơn).

Để tổ chức tiêm chủng đạt hiệu quả, Sở Y tế đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván- bạch hầu (Td) vào chương trình TCMR để tiêm cho trẻ em 7 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh; hướng dẫn chuyên môn cho Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức thực hiện. Là đầu mối tiếp nhận vắc xin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và thực hiện cấp phát vắc xin cho Trung tâm Y tế các huyện, thành phố để triển khai trong TCMR. Giám sát, hỗ trợ các huyện, thành phố trong quá trình triển khai việc đưa vắc xin uốn ván- bạch hầu (Td) vào trong chương trình TCMR. Thực hiện tổng hợp kết quả và báo cáo theo đúng quy định.

Cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giám sát tiêm vắc xin Uốn ván, 

Bạch hầu cho học sinh tại Trường tiểu học xã Kiến Thiết (Yên Sơn)

Uốn ván là bệnh nhiễm độc cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván gây ra. Trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương, vết trầy xước, vết thương nhiễm bẩn, v.v. bệnh uốn ván có tỷ lệ tử vong cao do bệnh gây nên các cơn co cứng cơ toàn thân trong đó có cơ hô hấp dẫn đến ngừng thở.

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Bạch hầu là bệnh được đánh giá là rất nguy hiểm bởi nguy cơ lây lan nhanh và gây biến chứng nặng nề.

Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm vắc xin Td cho trẻ em 7 tuổi vào Chương trình TCMR. Việc triển khai vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi trên phạm vi toàn quốc sẽ góp phần chủ động phòng bệnh uốn ván, bạch hầu ở trẻ em lứa tuổi học đường.

Vắc xin Td là vắc xin có thành phần uốn ván, bạch hầu giảm liều sử dụng để phòng bệnh bạch hầu và uốn ván. Hiện nay vắc xin đã được sản xuất trong nước và có thể sử dụng cho đối tượng người lớn và trẻ em từ 7 tuổi trở lên. Triển khai tiêm vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi có vai trò quan trọng giúp củng cố miễn dịch của trẻ để chủ động phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Nguyễn Tiến


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết