Vệ sinh môi trường sau bão lụt
Sau lũ lụt, việc đảm bảo vệ sinh môi trường là việc làm vô cùng quan trọng nhằm diệt trừ mầm bệnh, không cho mầm bệnh phát tán ra môi trường, giữ cho môi trường sống sạch sẽ, giảm thiểu nguồn lây bệnh, tránh bùng phát các dịch bệnh lớn và nguy hiểm như tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng….
Infographic 1_Hướng dẫn vệ sinh cá nhân trong và sau bão lụt.
Ngập lụt do mưa lớn kéo dài sẽ làm vi sinh vật gây bệnh phát triển từ rác, chất thải, bùn đất từ cống thải, công trình vệ sinh, chuồng trại hòa vào nước khiến môi trường bị ô nhiễm và phát tán mầm bệnh đồng thời ngập úng, nước đọng tạo điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển, nhất là muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Cũng trong thời điểm này, xác động vật và gia súc, gia cầm lẫn vào rác thải làm tăng mật độ ruồi, nhặng.
Trong và sau mưa lũ, vô số vi sinh vật (cả loại gây bệnh và không gây bệnh) từ đất, bụi, rác, chất thải… hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật. Đặc biệt là bệnh về đường ruột (tả, thương hàn, tiêu chảy do Rotavirus) và các bệnh như: cúm, sốt xuất huyết, tay chân miệng, đau mắt đỏ… thường tăng lên một cách đáng kể và có nguy cơ làm lây lan mầm bệnh tạo thành dịch nguy hiểm. Vì thế, người dân cần cẩn trọng với dịch bệnh sau mưa lũ.
Infographic 2_Hướng dẫn vệ sinh môi trường sau bão lụt.
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh trong mùa mưa bão, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp sau:
- Chủ động tiêm vắc xin để “chặn đứng” nguy cơ nhiễm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
- Đảm bảo lựa chọn và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, luôn “ăn chín, uống sôi”.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
Infographic 3_Hướng dẫn xử lý nước để ăn uống, sinh hoạt sau bão lụt.