24/05/2024 10:19 | 69
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bệnh tay chân miệng: Những điều cần biết

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

1. Bệnh tay chân miệng là gì?

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, lây từ người sang người. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (Ev71). Biểu hiện chính là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay - chân, mông, đầu gối.

2. Bệnh tay chân miệng lây truyền qua con đường nào?

Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Ngoài ra, còn các con đường lây truyền virus gây bệnh tay chân miệng bao gồm:

  • Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh.

Bệnh tay chân miệng đặc trưng bởi những vết phát ban dạng phỏng nước

  • Hít, nuốt phải các dịch tiết, nước bọt người bệnh khi ăn uống chung, ho, hắt hơi, nói chuyện.

  • Tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, bọng nước, phân của người bệnh.

  • Trẻ lành cầm nắm đồ chơi, chạm vào các vật dụng của trẻ bệnh.

  • Lây qua bàn tay người chăm sóc trẻ.

Bệnh gặp rải rác quanh năm, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, đến các nơi vui chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt dịch bùng phát.

3. Triệu chứng của bệnh tay chân miệng

Giai đoạn ủ bệnh: 3-7 ngày

Giai đoạn khởi phát: từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.

Giai đoạn toàn phát: Có thể kéo dài từ 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh:

  • Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2-3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.

  • Phát ban dạng phỏng nước: ở lòng bàn tay - chân, mông, gối, tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.

  • Sốt nhẹ

  • Nôn

  • Nếu trẻ sốt cao và nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng.

  • Biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp: thường xuất hiện sớm từ ngày thứ 2-5 của bệnh.

Bệnh tay chân miệng đặc trưng bởi những vết phát ban dạng phỏng nước

Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Các thể lâm sàng của bệnh sốt xuất huyết bao gồm:

  • Thể tối cấp: Bệnh tiến triển rất nhanh, có các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, suy hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong 24-48 giờ.

  • Thể cấp tính: Với 4 giai đoạn điển hình như trên.

  • Thể không điển hình: Dấu hiệu phát ban không rõ ràng hoặc chỉ có thể loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không thấy phát ban và loét miệng.

4. Chẩn đoán bệnh tay chân miệng

Chẩn đoán ca bệnh: Dựa vào triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ

Chẩn đoán xác định bệnh:

  • Dựa vào test nhanh Ev71, Phương pháp này xác định sự có mặt của kháng thể IgM của Ev71 trong cơ thể, cho kết quả nhanh nhưng độ đặc hiệu không cao.

  • Xét nghiệm bằng kỹ thuật sinh học phân tử (RT-PCR) để xác định AND của virus, Phương pháp này cho kết quả chính xác, độ nhạy và đặc hiệu cao.

Hình ảnh tổn thương của bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

                                                     CHÍNH ANH

                                        Khoa Truyền thông - GDSK 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết